CHIA SẺ THÔNG TIN

Nhập nhằng xuất xứ, thương hiệu Con Cưng dính nghi án trở thành KhaiSilk thứ 2

25/07/2018

Không chỉ mặt hàng quần áo, nhiều loại sản phẩm đang được bày bán tại Con cưng - chuỗi siêu thị dành cho mẹ và bé cũng bị cơ quan quản lý phát hiện có dấu hiệu sai phạm nguồn gốc.

Theo nhận định của ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công thương thì hầu hết các sản phẩm Thái Lan nhập tại chuỗi cửa hàng này đều có mác treo bên ngoài móc, dễ rơi, dễ thay đổi. Điều này thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan đến trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng.

Con-cungCon Cưng là chuỗi cửa hàng mẹ và bé được nhiều người tin dùng

Sau khi có trình báo về vụ việc khách hàng của Con Cưng nghi ngờ các sản phẩm tại đây là hàng giả từ phía công ty Thái Lan hoặc do Con Cưng nhập hàng giả về xong tự gắn mác thương hiệu, ngay lập tức Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra hàng hóa tại 4 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống Con Cưng trên địa bàn TP.HCM. Bước đầu kiểm tra đã đưa ra được một số kết luận về chất lượng hàng hóa tại đây.

Theo thông tin từ người mua hàng đã gửi kiến nghị với cơ quan chức năng, ngày 22/7 người này có mua hàng tại Con Cưng với tổng hóa đơn là 1,5 triệu đồng, khi về nhà phát hiện trong số hàng đã mua có một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF ( Con Cưng Fashion) với xuất xứ là “Made in Thailand”.

Vụ việc khăn lụa Khaisilk thay mác Made in China thành Made in VietNam kết thúc chưa được bao lâu thì nay lại có dấu hiệu y hệt tại chuỗi cửa hàng đang được lòng tin của nhiều gia đình như Con Cưng khiến người mua hàng lo ngại về chất lượng sản phẩm tại đây.

khai-silkThương hiệu Khaisilk từng khiến người tiêu dùng thất vọng

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Lưu Anh Tiến - người đại diện công ty khẳng định, lỗi mà khách hàng trên gặp phải là do sự sai sót của đơn vị bên Thái Lan, là đối tác gia công các sản phẩm may mặc với công ty này.

Cụ thể, với cùng một mẫu hàng, công ty gia công có thể làm cho rất nhiều đối tác khác nhau. Khi Con Cưng ký hợp đồng với công ty gia công thì sản phẩm đó là duy nhất tại Việt Nam nhưng lại không phải là duy nhất trên thế giới bởi các nước khác vẫn có quyền kinh doanh mẫu mã y hệt. Chính vì lý do đó, khả năng bị nhầm lẫn hàng hóa giữa các công ty cùng ký hợp đồng cho sản phẩm này là rất cao.

Con-cungCơ quan chức năng kiểm tra các mặt hàng tại Con Cưng

Ông Tiến khẳng định trên mỗi con tem mà Con Cưng sử dụng đều có ghi đầy đủ các thông tin, xuất xứ trên hệ thống thông tin của đơn vị, không thể chỉ vì thay mác mà thay đổi luôn cả xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, khi kiểm tra 4 chi nhánh của Con Cưng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều sản phẩm không gắn tem mác thể hiện nguồn gốc, xuất xứ. Thông tin các mặt hàng Made in Thailand được treo rời rạc trên móc cùng giá tiền, có thể thay đổi một cách dễ dàng và khi rơi ra thì chẳng hề liên quan gì tới sản phẩm. Ngược lại, những mặt hàng Made in VietNam thì vô cùng rõ ràng từ nguồn gốc, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hơn nữa nhãn mác cũng được may liền chứ không rời như hàng Thái Lan.

Từ những biều hiện như vậy, có thể nói công ty cổ phần Con Cưng đang có dấu hiệu vi phạm các nguyên tắc kinh doanh hàng nhập khẩu. Bởi nếu đúng theo quy định, bất kỳ mặt hàng nhập khẩu nào cũng đều phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện sự minh bạch thông tin sản phẩm dịch sang tiếng Việt.

Con-cung-1Nhiều sản phẩm bị phát hiện không gắn tem mác thể hiện nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài quần áo, khi đi sâu vào kiểm tra các mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng, cơ quan chức năng cũng tìm thấy nhiều dấu hiệu vi phạm. Điển hình với sản phẩm kem massage bụng TitiOne. Trên sản phẩm có dán tờ tem nhỏ in rõ "Sản xuất bởi: Công ty TNHH MỸ PHẨM TITIONE”, nhưng khi bóc lớp giấy này ra, công ty sản xuất được in trực tiếp trên sản phẩm lại là Công ty TNHH G&C. Các sản phẩm được kiểm tra tại cửa hàng Con Cưng địa chỉ 833 Hồng Bàng (P.9, Q.6) và địa chỉ 424 Nguyễn Thị Minh Khai (P.5, Q.3) đều xảy ra tình trạng tương tự.

Con-cung-3Ngoài quần áo, một số sản phẩm khác tại Con Cưng cũng bị phát hiện sai phạm

Tuy rằng, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Con Cưng cũng nhanh chóng nhận lỗi và gửi tin nhắn đến tất cả khách hàng thông báo thu hồi sản phẩm cũng như gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương nhưng có lẽ sau sự việc này, Con cưng sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại niềm tin nơi những khách hàng đã từng là khách hàng thân thiết nhất.

Trong kinh doanh, có một bài học chẳng bao giờ cũ mà bất cứ doanh nhân nào cũng có thể diễn thuyết hàng giờ liền nhưng lại không dễ để thực hiện bằng hành động. Đó chính là bài học làm ăn phải bắt đầu bằng chữ Tín. Thật đáng buồn khi cả Khải Silk và Con Cưng đều là những thương hiệu được cho là “uy tín” từ nhiều năm nay và luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Liệu rằng sự thất vọng này của người tiêu dùng, doanh nghiệp phải mất bao lâu mới có thể “chữa lành” ?

 

Có thể bạn quan tâm

098 152 5445